Thursday, December 13, 2007

Toan Dan Nghe Chang !!!!!


Nước nào là đồng chí, anh em?

Tuesday, December 11, 2007

Ngô Nhân Dụng
Có thể nói là Cộng Sản Trung Quốc đã đe dọa cả nước ta chứ không dọa riêng chính quyền Hà Nội. Phát Ngôn Nhân Bộ Ngoại Giao Tần Cương (Qin Gang) nhấn mạnh rằng bang giao giữa hai nước sẽ bị thiệt hại nếu Cộng Sản Việt Nam không “tỏ ra có trách nhiệm và có những biện pháp hiệu quả” ngăn cấm thanh niên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc. Ông Tần Cương nhắc lại “lãnh đạo hai nước đã trao đổi quan điểm nhiều lần.” Ông ngầm nhắc đến những lần Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Ðồng đã sang Trung Quốc gặp gỡ, trò truyện và trao đổi văn thư với giới lãnh đạo Bắc Kinh từ nửa thế kỷ trước. Bây giờ nếu họ đưa ra công khai các tài liệu cho thấy Cộng Sản Việt đã chấp nhận Cộng Sản Trung Hoa chiếm Hoàng Sa từ lâu rồi, thì dân Việt Nam sẽ phản ứng ra sao? Rõ ràng, Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa! Họ có thể dọa các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam đang sợ địa vị lung lay. Nhưng họ không thể dọa cả dân tộc Việt Nam!
Thái độ của đảng Cộng Sản Việt Nam rất rụt rè, vì sợ hãi. Báo chí trong nước chỉ đăng nguyên văn bản tin của thông tấn xã nhà nước lập lại nguyên văn các lời tuyên bố chính thức của người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Dũng. Ông Lê Dũng chỉ nói: “Một số người dân tụ tập trước cửa đại sứ quán và tổng lãnh sự Trung Quốc... bày tỏ bất bình ...” Không dám gọi đúng tên là “biểu tình!” Ông cũng giải thích rằng “về vấn đề trên biển... hai bên thống nhất tăng cường nhịp độ đàm phán...” Cũng không dám gọi thẳng tên là “vấn đề tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa.” Ông Lê Dũng còn nhấn mạnh hai bên nói chuyện “trên tinh thần láng giềng hữu nghị, đồng chí, anh em.” Xin nhắc lại một lần nữa: “Láng giềng hữu nghị, đồng chí, anh em.” Ðiều đáng ngợi khen ông Lê Dũng là ông phát ngôn những lời đó mà không bật cười!
Một điều chúng ta nên nhớ là trong việc bang giao quốc tế, các quốc gia không thể và không nên coi nước nào là đồng minh vĩnh viễn hay thù địch vĩnh viễn của mình. Tất cả mọi quan hệ ngoại giao đều dựa trên quyền lợi quốc gia. Các nước khác họ cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ mà thôi. Có tinh thần hữu nghị nhưng không có chỗ nào cho “tinh thần đồng chí, anh em!” Cần phải tranh đấu, mặc cả, biện luận, trao đổi, như trong thương trường; nếu cần thì nhờ luật pháp quốc tế can thiệp. Không thể coi một nước nào là bạn trăm năm, chứ đừng nghĩ đến chuyện thân thiện như anh em! Ngày xưa Trương Phụ đem quân Minh sang đánh Hồ Quý Ly, cũng nêu cao danh nghĩa “láng giềng, hữu nghị, đồng chí, anh em” với con cháu họ Trần mới bị mất ngôi! Nhưng sau khi chiếm được nước ta rồi, nhà Minh đã đặt thành quận huyện của họ - hồi đó chưa có huyện Tam Sa.
Những lời ngọt ngào “đồng chí, anh em” rất nguy hiểm trong trường ngoại giao. Cộng Sản Việt Nam đã phạm nhiều sai lầm về ngoại giao trong thế kỷ trước. Nhưng sai lầm lớn nhất là tới bây giờ họ vẫn giữ quan niệm ngoại giao dựa trên ngôn ngữ tình cảm, “trước là đồng chí sau là anh em.” Ðó là họ theo lời Hồ Chí Minh đã day, phải coi những nước cộng sản khác là đồng chí, anh em. Khi coi nhau là đồng chí thì phải hòa hoãn, nhường nhịn, hy sinh cho nhau. Không phải một nhóm lãnh tụ cộng sản nước này nhường lãnh tụ nước khác, mà cả dân tộc Việt Nam đã phải chịu hy sinh cho nghĩa vụ với quốc tế, bành trướng cuộc cách mạng vô sản thế giới! Chính vì tình “đồng chí” hay biết phận đàn em, mà ông Phạm Văn Ðồng đã viết thư chính thức công nhận chủ trương về hải phận của “đồng chí tổng lý” Chu Ân Lai! Khi nhận là “anh em” thì tự nhiên sinh ra phân biệt, có trên có dưới, anh bảo em phải vâng lời! Thái độ xấc xược của Ðặng Tiểu Bình, báo cho Carter biết sẽ “dậy Việt Nam một bài học,” chính là do tinh thần “gia trưởng” đã được nuôi dưỡng trong quan hệ Việt Trung “đồng chí, anh em!”
Phải nhắc lại một lần nữa, trong bang giao quốc tế không có ai là đồng chí, anh em, cũng không có nước nào là thù địch vĩnh viễn. Giữa các quốc gia chỉ có những quyền lợi cần thương thảo, cần tranh thủ với nhau mà thôi.
Quan niệm về ngoại giao trong tinh thần “đồng chí, anh em” phát sinh do ảo tưởng về một mặt trận quốc tế vô sản toàn thế giới, thiết lập một thiên đường cộng sản. Ảo tưởng đó lúc đầu do Stalin đề xướng để dễ dàng ban phát mệnh lệnh cho các đảng cộng sản khắp thế giới phải tuân lệnh Ðệ Tam Quốc Tế, hôm nay chống Phát Xít, ngày mai lại thân với Hitler, chỉ cốt phục vụ quyền lợi Nga. Khi Mao Trạch Ðông đối đầu với Liên Xô, ông ta lập mặt trận các đảng cộng sản theo phe mình. Mao lại dùng “tinh thần đồng chí, anh em” đó mà ra lệnh cho các nước theo mình, cũng chỉ vì mục đích chống Nga. Trong thực tế, không ai là đồng chí, không ai là anh em hết! Bây giờ mà còn nhắc đến những tiếng “đồng chí, anh em” là bắt 84 triệu người Việt Nam phải tiếp tục nghe những lời giả dối mị hoặc.
Cộng Sản Việt Nam đã tự đặt mình vào hàng ngũ cộng sản thế giới cho nên đã mê hoặc đồng bào suốt bao nhiêu năm bằng các chiêu bài gian trá đó. Trong thời chiến tranh họ đã đi dây giữa hai nước đàn anh để xin viện trợ giúp mưu đồ cộng sản hóa cả nước Việt Nam và vùng Ðông Nam Á. Khi Trung Quốc xâm lăng chiếm Hoàng Sa, Cộng Sản Việt Nam vì “tình đồng chí, anh em” nên “tán thành” lập trường Trung Quốc; nhưng sau năm 1975 lại trở mặt đứng hẳn về phía Nga Xô, chống Trung Quốc.
Trung Quốc nổi giận vì Lê Duẩn tỏ ra “bất nghĩa vô ơn” đối với những giúp đỡ của họ trong thời chiến. Dân Việt Nam trở thành nạn nhân của cơn thịnh nộ đó. Năm 1978 Cộng Sản Việt Nam mở cửa Cam Ranh cho hạm đội Nga. Cuối cùng, tới cuộc chiến tranh “dậy một bài học” năm 1979. Lê Duẩn đã sai sửa hiến pháp, viết vào lời nói đầu gọi tên Trung Quốc như một nước thù nghịch trong lịch sử, cùng với Pháp và Mỹ. Chưa có quốc gia nào trên thế giới lại dốt nát đến mức đem ghi trong hiến pháp mình tên một nước khác như kẻ thù! Hiến pháp là một văn bản để giữ lại nhiều thế kỷ, không nước nào có thể công khai gọi một nước láng giềng rộng lớn, dân đông gấp mình 10 lần là kẻ thù mãi mãi được! Sự ngu dốt của một đảng cầm quyền có thể làm hại cả nước trong nhiều thế hệ.
Bây giờ trước mối uất hận của toàn dân vì các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc ngang nhiên chiếm đoạt, Cộng Sản Việt Nam phải tỏ ra cương quyết phản đối với thái độ cứng rắn hơn. Không ai nghĩ rằng người Việt Nam có khả năng gây chiến để chiếm lại Hoàng Sa, trong tình hình thế giới bây giờ. Những người nêu lên viễn tượng đó chỉ có mục đích đe dọa, hòng biện minh cho thái độ hèn nhát, chịu phận đàn em của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Người Việt Nam phải lên tiếng phản đối ở khắp nơi, gõ tất cả các cửa, dùng tất cả các biện pháp: Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc; không đi du lịch Trung Quốc; biểu tình phản đối ở bất cứ nơi nào có đại diện chính quyền Trung Quốc. Giống như người Tây Tạng đã dám treo biểu ngữ ngay trên Trường Thành đòi trả lại đất nước họ. Như người Nhật Bản vẫn liên tiếp đòi Nga phải trả lại các hòn đảo họ chiếm sau Ðại Chiến Thứ Hai, hơn nửa thế kỷ nay họ không bao giờ ngừng.
Việt Nam phải liên kết với các nước Ðông Nam Á, cùng chung một quyền lợi trong việc chống lại tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Phải kiện Trung Quốc ra trước Tòa Án Quốc Tế và tòa án về luật biển. Phải trưng ra trước công luận thế giới các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của nước ta trên các quần đảo này. Muốn vững lý, Cộng Sản Việt Nam phải phủ nhận lá thư nhục nhã mà Phạm Văn Ðồng đã ký gửi Chu Ân Lai năm 1958, tỏ ý “tán thành bản tuyên bố của chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận Trung Quốc!”
Muốn gỡ ra khỏi lá thư oan nghiệt đó, những người cam quyền hiện nay phải tự coi là sau khi họ chiếm được miền Nam, họ đương nhiên thừa kế các di sản về ngoại giao của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có sự kiện hải phận Việt Nam bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Có nhiều chứng cớ cho thấy các quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cuốn sách nêu nhiều bằng chứng ủng hộ Việt Nam vững chắc nhất là La Souveraineté sur Les Archipels Paracels et Spratleys của Monique Chemillier Gendreau, L'harmattan xuất bản năm 1996. Bà là một giáo sư quốc tế công pháp thường tham dự các cuộc tranh đấu cho quyền làm người. Sau khi khảo sát các văn kiện thuộc văn khố nước Pháp trong ba thế kỷ, bà khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc Việt Nam. Còn về Trường Sa thì có nhiều nước tranh chấp nhưng các luận cứ do Trung Quốc đưa ra yếu ớt nhất, chỉ do tham vọng bành trướng bá quyền mà thôi.
Người Việt Nam có thể nhắc nhở cho nhau biết, trong số những bằng chứng cụ thể có xác của một con tàu! Trong trận hải chiến ngày 19 Tháng Hai năm 1974, hộ tống hạm Nhật Tảo bị quân Trung Cộng bắn trúng, trên đài chỉ huy Trung Tá (truy thăng) Ngụy Văn Thà hy sinh vì nước. Lúc đó, Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh hải quân Việt Nam Cộng Hòa vùng I đã yêu cầu những thủy thủ còn sống lái con tầu (đang cháy và bị nước tràn) hãy hết sức tiến về phía bờ hải đảo, trước khi chìm. Ðể xác con tầu đắm sẽ là một chứng cớ cho thế hệ con cháu sau này chứng minh cho cả thế giới thấy: Ðây là hải phận của nước Việt Nam! Xác con tầu hiện nằm dưới đáy biển cách bờ hơn 2 hải lý. Phải lập lại câu thơ Huỳnh Mẫn Ðạt: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa!”
Các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên con tầu Nhật Tảo là những anh hùng dân tộc. Các bạn sinh viên đại học ở Quảng Nam, Ðà Nẵng hãy cùng nhau chung sức dựng lên một tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ vì nước hy sinh đó. Hãy đặt tên một con đường là Phố Ngụy Văn Thà, một con đường là Nhật Tảo, một con đường 19 Tháng Giêng 1974; để đồng bào và con cháu sau này ghi nhớ: Người Việt đã nhiều lần đổ máu bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta sẽ không bao giờ quên.